Hà Giang qua góc nhìn của chàng trai miền Trung

Đến Hà Giang lần đầu vào những ngày cuối năm, trời lạnh nhiều sương mây nhưng Anh Tài vẫn thu hoạch được một bộ ảnh chụp bằng flycam.

Lê Văn Anh Tài, 25 tuổi, người gốc Quảng Nam, hiện sống và làm việc tại Đà Nẵng. Nhiếp ảnh từ một sở thích đã biến thành đam mê và trở thành nghề của chàng trai trẻ ngay khi tốt nghiệp đại học tại Huế. Tháng 11-12/2021, Tài có một chuyến công tác dài ngày tại miền Bắc kết hợp lịch trình du lịch các tỉnh thành ở Đông - Tây Bắc. Trong đó, chàng trai dành 7 ngày rong ruổi trên các nẻo đường của Hà Giang.

Anh Tài check-in ở cột mốc 0 km ở trung tâm TP Hà Giang. Chàng trai được biết đến nhiều hơn khi chia sẻ cho cộng đồng du lịch bộ ảnh Việt Nam từ trên cao vào giữa năm 2021.

Chuyến đi của Tài bắt đầu từ Đà Nẵng đến Ninh Bình, ngày thứ hai từ Ninh Bình lên thẳng Hà Giang. Đây cũng là lần đầu tiên chàng trai miền Trung đến với Hà Giang dù đã nhiều lần du lịch, công tác ở các khu vực miền núi phía Bắc. Trước khi đi, Tài nghĩ 5 ngày có thể đi hết Hà Giang nhưng thực tế đường đi và các điểm nằm xa nhau nên hành trình kéo dài 7 ngày (10-16/12/2021).

Lần đầu tiên đến Hà Giang lại trúng mùa đông, gặp tiết trời nhiều sương mù, Tài khó có thể chụp được những bức hình ưng ý. Có những địa điểm nhóm của Tài phải ở lại canh thời tiết tốt hơn để cố gắng chụp hình tốt nhất có thể. Đặc biệt khi chụp ảnh trên cao, Tài gặp không ít khó khăn vì bay flycam trong sương mù, địa hình đồi núi cao công thêm gió mạnh khiến cảm biến cảnh báo vật cản liên tục và có nguy cơ mất phương hướng của flycam.

Tuy nhiên, điều thú vị là dân địa phương gặp chàng trai miền Trung đang quay chụp flycam luôn tò mò vây quanh hỏi han. Họ thường đặt ra những câu hỏi hài hước như "cái này bay thấy bên núi, bên bản kia không", "cái này (đắt) bằng con trâu đấy à" hay "chắc bằng cả thửa ruộng"...

Dinh thự họ Vương (hay dinh vua Mèo) khi nhìn từ trên cao. Công trình nằm trên diện tích 3.000 m2 thuộc xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn.

Theo Tài, để thể hiện hết sự hùng vĩ của thiên nhiên, anh chụp panorama, nhiều tấm, nhiều góc. "Đừng bỏ sót bất kỳ góc nào vì có những lúc chụp thấy rất bình thường nhưng về sau lại thấy thú vị. Thậm chí chụp nhiều góc khác nhau, đôi lúc giúp bạn phát hiện ra những điều đẹp, lạ mắt", anh nói.

"Để thể hiện ra vẻ hùng vĩ của Hà Giang, những bức hình từ flycam là sự lựa chọn hợp lý nhất. Nếu để ý bạn sẽ thấy mình chụp panorama rất nhiều nhưng chủ yếu theo khổ dọc tỉ lệ 4:5 và hạn chế méo hình rất có thể", Tài chia sẻ.

Sau 7 ngày rong ruổi Hà Giang, đèo Mã Pí Lèng là điểm đến để lại ấn tượng nhiều nhất với chàng trai này vì vẻ đẹp, sự hùng vĩ và hiểm trở, nhìn từ trên cao càng thấy choáng ngợp. Trên chặng đường vượt đèo, nhóm của Tài uống cà phê trên đỉnh, phóng tầm mắt ngắm nhìn núi sông bên dưới và phải thốt lên "không hổ danh một trong tứ đại đỉnh đèo" của miền Bắc.

Làng du lịch cộng đồng Pả Vi Hạ dưới chân đèo Mã Pí Lèng.

Bản Lô Lô Chải.

Nhà của Pao.

Cột cờ Lũng Cú.

Sông Nho Quế.

Cao nguyên đá Đồng Văn.

Hẻm Tu Sản.

Dốc Thẩm Mã.

Núi đôi Cô Tiên.

Đèo Mã Pí Lèng.

Khánh Trần
Ảnh: Lê Văn Anh Tài

  • Du xuân Hà Giang ở 5 bản làng nguyên sơ 3
  • Lịch trình Hà Giang 3 ngày chưa đến 2 triệu đồng 4
  • Mùa mật ong bạc hà ở Hà Giang 8
  • Món ngon trong các chợ phiên Hà Giang 5
  • Mùa hoa tam giác mạch trên cao nguyên đá 17
  • Hẻm Tu Sản - danh thắng kỳ vĩ của Hà Giang 35
Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về [email protected]   Trở lại Du lịchTrở lại Du lịch Lưu Chia sẻ Copy link thành công Chủ đề: Cao nguyên đá Hà Giang ×
';