Khám phá Lai Châu bằng du lịch mạo hiểm

Màn tranh tài tại Festival Dù lượn Tam Đường 2021. Ảnh: Mạnh Cường

Với núi cao, rừng rậm, hang sâu, địa hình đa dạng và hiểm trở, Lai Châu những năm gần đây trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách ưa thích thể thao mạo hiểm, chinh phục thiên nhiên. Người tham gia loại hình du lịch này không chỉ được rèn luyện, thỏa mãn đam mê, mà còn có dịp thưởng thức cảnh đẹp hùng vĩ cùng bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất “ven trời Tây Bắc”.

Hình ảnh những chiếc dù lượn rực rỡ sắc mầu như đàn chim kiêu hãnh tung bay giữa bầu trời vốn chỉ phổ biến tại các quốc gia đã có môn thể thao mạo hiểm phát triển như ở châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, người dân ở bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) đã quen với cảnh tượng ngoạn mục ấy hơn ba năm nay. Đây là bản có tất cả cư dân là đồng bào dân tộc Dao, làm du lịch cộng đồng từ năm 2017 nhưng đã gây được ấn tượng xanh-sạch-đẹp với đông đảo du khách. Ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển, nơi đây được giới chơi dù lượn yêu thích, nhiều lần diễn ra các sự kiện dù lượn trải nghiệm hoặc thi đấu chuyên nghiệp. Vừa qua, đã có hơn 90 phi công trong nước và quốc tế tranh tài tại Festival Dù lượn Tam Đường 2021, diễn ra từ ngày 24 đến 26/12/2021 và Lai Châu tiếp tục được vinh danh là điểm bay dù lượn có thành tích tốt nhất ở Việt Nam hiện nay.

Từ bản Sì Thâu Chải, các vận động viên bay trình diễn và thi đấu bay đường trường, thi hạ cánh chính xác tại sân vận động huyện Tam Đường. Những chặng bay đòi hỏi thể lực, kỹ năng và cả bản lĩnh để vượt qua nhiều thử thách, bù lại họ được nếm trải cảm giác tự do bay lượn trên cảnh sắc tuyệt đẹp của núi rừng trùng điệp, ruộng bậc thang mênh mông. Vận động viên Đinh Trọng Hải, hội viên Hội Dù lượn thành phố Hà Nội, người đã thực hiện gần 20 chuyến bay ở Tam Đường, chia sẻ: “Lai Châu có những điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi cho các chuyến bay thành tích cao với quãng đường hơn 100 km. Tuyến bay hiện tại đang được các phi công cất cánh tại bản Sì Thâu Chải rồi bay dọc dãy Hoàng Liên Sơn về hướng thị trấn Than Uyên, và quay ngược lại. Ngoài đường bay đem lại thành tích cao thì số ngày bay tốt ở đây cũng khá nhiều, giao thông đi lại thuận tiện. Thêm vào đó, phong cảnh miền núi xanh tươi, hoang sơ càng khiến người bay thăng hoa. Trong khu vực còn có nhiều bản du lịch cộng đồng của đồng bào Dao, H’Mông, Lự, Giáy… với cơ sở lưu trú tốt, người dân thân thiện mến khách, rất đáng ghé thăm”.

Ở bộ môn dù lượn không động cơ, phi công điều khiển cánh dù và đón các vùng nâng trong không khí để leo lên cao và đi xa-được gọi là bay đường trường (bay XC). Đây là nội dung phổ biến nhất của môn thể thao mạo hiểm này. Trước đây, người chơi dù lượn muốn bay đường trường thường phải sang Thái Lan hoặc các nước châu Âu như Thụy Sĩ, Italia... Nhưng từ năm 2019, nhiều chuyến bay hơn 100 km đã được phi công Việt Nam thực hiện thành công tại Tam Đường, Lai Châu, chính thức đánh dấu một điểm bay lý tưởng ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Theo giới chuyên môn, Tam Đường hội tụ đủ điều kiện để trở thành điểm bay tầm cỡ quốc gia, thậm chí là quốc tế. Phi công Mickey Tan (quốc tịch Singapore), thành viên câu lạc bộ dù lượn Vietwings, cũng đã nhiều lần trở lại Tam Đường để nâng cao thành tích cá nhân và khám phá nét đẹp của vùng cao Tây Bắc. Anh cho biết, có nhiều bạn bè là phi công quốc tế tuy chưa thể đến đây vì dịch Covid-19 nhưng đều đã nghe danh điểm bay Tam Đường.

Để chinh phục những dãy núi sừng sững của “nóc nhà Đông Dương”, ngoài bay trên trời cao còn có cách khác là trekking (du lịch kết hợp leo núi và cắm trại) dưới những tán rừng rậm rạp và hoang dã. Ở Lai Châu, có thể trekking 6 trong số 10 ngọn núi cao nhất cả nước, gồm Fansipan (3.143 m), Pu Si Lung (3.076 m), Pu Ta Leng (3.049 m), Ky Quan San (3.045 m), Khang Su Văn (3.012 m), Tả Liên Sơn (2.996 m). Đối với không ít du khách, nhất là người trẻ, trekking không chỉ là một trào lưu mà còn trở thành đam mê. Anh Phàn A Páo, người Dao ở xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường) làm nghề dẫn đường cho các đoàn leo núi đã nhiều năm, cho biết: “Thời gian leo núi nhộn nhịp nhất thường từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau. Khách thích săn mây hoặc lá vàng, lá đỏ thường đi vào mùa thu. Nhiều đoàn thì đi vào tháng 2, tháng 3 để đúng mùa hoa đỗ quyên nở”.

Những ai từng trekking các đỉnh núi cao của Lai Châu đều thừa nhận sự khó khăn, mệt nhọc, nhưng cảnh thì đẹp như mơ. Người leo núi phải vượt suối, băng rừng, trèo qua những con dốc trơn trượt, xuyên những vòm trúc mọc không hàng lối, chìm trong sương mù và giá lạnh của dãy Hoàng Liên Sơn. Nhưng cũng hành trình ấy, họ được hòa mình với thiên nhiên kỳ diệu, chiêm ngưỡng những cây cổ thụ khổng lồ đầy rêu phong, những thác nước trong xanh như ngọc, bước chân trên thảm hoa thơm cỏ lạ hiếm có. Pu Ta Leng, Ky Quan San (còn có tên gọi Bạch Mộc Lương Tử) là hai “thiên đường” của loài đỗ quyên đủ mầu sắc mà biết bao tâm hồn đam mê xê dịch ước ao được tận mắt ngắm nhìn.

Nhẹ nhàng hơn leo núi, một trải nghiệm thú vị khác ở Lai Châu là khám phá hang động. Theo khảo sát của chính quyền địa phương, có khoảng 20 hang động lớn, nhỏ đã được phát hiện, ẩn sâu trong lòng núi. Chỉ cách thành phố Lai Châu chừng 5 km, Pu Sam Cáp là quần thể hang động lớn nhất, có những nhánh rất sâu mà chưa ai từng đi đến cuối hang. Ngoài ra còn có động Tiên Sơn (xã Bình Lư, huyện Tam Đường), động Gia Khâu (xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu)… cũng thu hút người ưa mạo hiểm giữa thiên nhiên. Để đến với những hang động này, phần lớn du khách phải đi bộ xuyên rừng theo đường mòn do người dân bản địa làm. Thế giới trong lòng hang với bóng tối, sự tĩnh lặng và những nhũ đá muôn hình muôn vẻ kỳ thú có thể mang đến nhiều cảm xúc mạnh mẽ.

Du khách tham gia hoạt động trải nghiệm tại khu du lịch Rồng Mây (huyện Tam Đường). Ảnh: NHẬT MINH 

Sở hữu nhiều tiềm năng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc, nhưng Lai Châu từng mờ nhạt trên bản đồ du lịch Việt Nam vì cách trở xa xôi, thông tin ít ỏi, thiếu tour tuyến kết nối liên tỉnh, liên vùng. Nhưng giờ đây, du lịch Lai Châu đang chuyển mình đáng kể, dần khẳng định được vị thế và ưu thế đối với một số loại hình đặc thù như: Du lịch sinh thái, cộng đồng; du lịch thể thao mạo hiểm, chinh phục thiên nhiên. Giai đoạn 2016-2020, lượng khách du lịch đến Lai Châu đạt 1,5 triệu lượt. Tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt hơn 2.370 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình năm đạt 14%/năm. Tại một hội thảo về phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm diễn ra cuối năm 2021, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn nhận định, du lịch mạo hiểm là xu hướng ngày càng được ưa chuộng trên thế giới và thu hút nhiều du khách. Tour du lịch mạo hiểm tối ưu thường tổ chức cho đoàn từ 30 người trở xuống, phù hợp các yêu cầu phòng, chống dịch, là sản phẩm an toàn khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người, xác định phát triển du lịch là một nhiệm vụ trọng tâm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu đã có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi để du lịch khởi sắc. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đón hơn bốn triệu lượt khách, tập trung phát triển sản phẩm du lịch có bản sắc riêng Lai Châu. Công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá, nâng cao nguồn nhân lực và mở rộng thị trường khách được đẩy mạnh. Cuối năm 2021, Lai Châu tổ chức hàng loạt sự kiện kích cầu du lịch như “Ngày hội văn hóa dân tộc H’Mông toàn quốc lần thứ ba”, chương trình du lịch lữ hành “Hành trình về với vùng xanh”… Lai Châu tham gia hiệu quả chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch tám tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh năm 2021, và giữ vai trò trưởng nhóm hợp tác này trong năm 2022.

Từ năm 2019, tỉnh Lai Châu tổ chức hằng năm Giải dù lượn đường trường Pu Ta Leng mở rộng tại huyện Tam Đường, quy tụ hàng trăm phi công trong và ngoài nước. Đây là giải dù lượn đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế và được Hiệp hội Thể thao hàng không quốc tế (FAI) công nhận, kết quả thi đấu chung cuộc của các vận động viên được tính trong bảng xếp hạng phi công của thế giới. Năm 2020, sáu khinh khí cầu lung linh sắc mầu lần đầu bay lên bầu trời Lai Châu, thu hút sự chú ý của người dân và du khách với trải nghiệm độc đáo là ngắm thành phố từ độ cao 50 m. Năm 2021, Lai Châu còn tổ chức Giải đua xe đạp đường trường mở rộng lần thứ nhất, với hơn 100 vận động viên từ các câu lạc bộ, Liên đoàn xe đạp-mô-tô các tỉnh, thành phố. Tháng 12/2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh Lai Châu tổ chức chương trình famtrip (du lịch miễn phí tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) chinh phục đỉnh Pu Ta Leng cho 45 thành viên, trong đó có các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành chuyên tour du lịch thể thao mạo hiểm ở Lai Châu và Hà Nội. Đối với đỉnh Ky Quan San (Bạch Mộc Lương Tử), tỉnh Lai Châu đang phối hợp tỉnh Lào Cai xây dựng cung đường trekking đi từ Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, Lai Châu) về Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát, Lào Cai).

Chưa hết, những du khách ưa mới lạ, muốn thử thách lòng can đảm khi đến với Lai Châu có thêm lựa chọn “đi bộ trên mây” tại Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường). Đây là công trình lần đầu có mặt tại Việt Nam với thiết kế thang máy ngoài trời và cầu kính trong suốt, vươn ra ngoài vách núi, đưa du khách như xuyên qua những tầng mây và thu trọn tầm mắt quang cảnh tráng lệ của đèo Ô Quy Hồ - cung đèo quanh co dài hơn 50 km. Ngoài các loại hình du lịch mạo hiểm nêu trên thì du lịch sông Đà, du lịch lòng hồ thủy điện Lai Châu, hồ thủy điện Bản Chát cũng đầy tiềm năng trở thành điểm đến cho các môn thể thao dưới nước, hoặc trải nghiệm du ngoạn hồ trên núi…

Có thể nói, Lai Châu đi con đường “chậm mà chắc” khi tập trung cho các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo thương hiệu riêng. Mặc dù còn nhiều hạn chế cần khắc phục, du lịch Lai Châu đã và đang ghi dấu ấn với những trải nghiệm mạo hiểm và độc đáo “có một không hai”, tạo nên sự tăng trưởng bền vững và đáng khích lệ.

HOÀNG MỸ HẠNH

';