Sắc màu văn hóa bên hồ Na Hang

Tuyên QuangĐến hồ Na Hang, du khách có dịp tham gia lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, hòa mình vào cuộc sống người Tày, thưởng thức vô số món ngon.

Hồ Na Hang nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang, thuộc địa bàn hai huyện Na Hang và Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Hồ Na Hang trong tiếng Tày nghĩa là ruộng cuối - nơi cư ngụ của dân tộc Tày. Theo lời truyền dạy, người Tày thường định cư trong các thung lũng, nơi gần những con sông, suối hoặc có nguồn nước sạch từ trên núi đổ về để tiện sinh hoạt. Họ tập trung thành từng làng bản, sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng và nương rẫy.

Ẩn sâu trong lòng núi quanh hồ Na Hang và các hang động là nơi lưu giữ nhiều dấu tích cổ xưa. Ảnh: UBND huyện Lâm Bình

Lần đầu đặt chân đến Na Hang, du khách có dịp chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên vẫn còn nguyên vẹn nét hoang sơ. Xen kẽ giữa núi non trùng điệp là bạt ngàn cánh rừng nguyên sinh và nước hồ trong xanh. Ẩn sâu trong lòng núi quanh hồ và các hang động, là nơi lưu giữ nhiều dấu tích cổ xưa làm nên một vùng văn hóa đặc sắc của người Tày bên hồ Na Hang.

Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn

Lên thăm Lâm Bình vào thời điểm diễn ra lễ hội nhảy lửa, du khách có dịp ấn tượng trước nét đẹp văn hoá được gìn giữ qua bao đời. Một thủ tục không thể thiếu trong phần lễ chính đó là thầy cúng cầu thần linh. Khi thầy cúng gõ vào đàn và làm lễ, 12 thanh niên trai tráng, khỏe mạnh ngồi đối diện với thầy mo. Thông qua nghi thức linh thiêng này, người dân muốn tỏ lòng biết ơn đến thần linh phù hộ cho một vụ mùa bội thu.

Trai tráng Pà Thẻn thay nhau nhảy lên đống than hồng trong lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn. Ảnh: UBND huyện Lâm Bình

Phần lễ cúng kết thúc cũng là lúc mặt trời khuất bóng. Dưới ánh lửa bập bùng, trai tráng Pà Thẻn thay nhau nhảy lên đống than hồng. Họ dùng tay và chân trần để phá cho tới khi lửa tàn. Nghi thức độc đáo này mang đậm màu sắc tâm linh huyền bí.

Ngày nay, lễ hội nhảy lửa vẫn được gìn giữ và tổ chức trang trọng. Với tín ngưỡng tâm linh, lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn là một kho tàng văn hóa hết sức độc đáo, chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc.

Trải nghiệm bản sắc văn hóa của người Tày

Người Tày thích ở nhà sàn vì nhà cao, thoáng mát hợp với kiểu khí hậu ngày nóng, đêm lạnh của vùng núi rừng. Dù xã hội ngày càng phát triển, nhưng bà con vẫn giữ được nếp nhà sàn xưa. Nhà sàn của người Tày ở Na Hang thường có ba gian, hai chái. Sàn nhà làm bằng tre và giữa nhà có bếp lửa làm bằng khuôn gỗ hình vuông, đắp đất nện. Bếp lửa đỏ ở giữa căn nhà vẫn là biểu tượng cho sự đoàn tụ, quây quần bên nhau của mỗi gia đình khi đêm về.

Du khách trải nghiệm tại một trong những ngôi nhà sàn được người Tày tân trang để làm homestay. Ảnh: UBND huyện Lâm Bình

Dọc con đường đi vào khu du lịch sinh thái Na Hang, du khách có dịp chiêm ngưỡng thiên nhiên nên thơ nơi đây. Phía xa là những ngôi nhà sàn được tân trang để làm homestay cho du khách nghỉ ngơi. Buổi sáng, du khách đừng quên đạp xe dạo chơi và ghé homestay của người địa phương để tham gia các hoạt động mang đậm bản sắc văn hoá người Tày như: trải nghiệm làm bánh trứng kiến, ngâm chân với lá thuốc của người Dao đỏ ở Na Hang. Hoạt động này mang đến cho du khách cảm giác thư giãn... Du khách đừng quên ghé thăm làng nghề dệt thổ cẩm gần đó để xem quy trình dệt vải độc đáo.

Thưởng thức nhiều món ngon

Ẩm thực cũng là một trong những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tày. Ngoài những món ngon nổi tiếng vùng cao như trâu khô gác bếp, gà đồi... người dân thường thiết đãi khách tới nhà chơi bằng đặc sản cá sông ăn kèm nhiều loại rau rừng như giảo cổ lam, rau gai, bò khai, măng rừng.

Người dân thiết đãi khách tới nhà chơi bằng nhiều món ăn đặc sản. Ảnh: UBND huyện Lâm Bình

Ngoài ra, du khách còn thưởng thức xôi ngũ sắc do chính người Tày làm. Những hạt xôi dẻo thơm được nấu từ gạo nếp ngon. Ngoài màu trắng tự nhiên từ nếp, các màu sắc còn lại như đỏ, tím, xanh, vàng được người dân làm ra bằng cách ngâm nếp với nước của nhiều loại rau củ trồng trong vườn nhà, nên có màu đẹp tự nhiên.

Thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ, thơ mộng, tràn đầy sức sống, cùng nét văn hóa độc đáo của miền rẻo cao là những điểm cộng giúp Tuyên Quang thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm những năm gần đây.

';