Tây Ninh: Tượng Phật Bà bằng đồng với những kỷ lục vô tiền khoáng hậu

Tượng Phật núi Bà Đen tại Tây Ninh đã xác lập 2 kỷ lục gồm Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam và Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi. (Vietnam+) 04/03/2022 14:02 GMT+7 Tin liên quan Tây Ninh miễn phí tham quan Khu du lịch núi Bà Đen trong năm 2022 28/12/2021 16:41 Khu Du lịch quốc gia Núi Bà Đen: Điểm đến tâm linh hấp dẫn du khách 27/10/2020 14:06 Quy hoạch 3 khu đô thị mới ven Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen 10/07/2020 14:39 Tây Ninh: Khai mạc Hội Xuân núi Bà Đen năm Canh Tý 2020 28/01/2020 21:44 Khu du lịch núi Bà Đen tuyệt đẹp trong bộ ảnh từ trên cao 18/01/2020 18:28
Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn nằm ở độ cao 986m trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh), có chiều cao là 72m, được đúc bởi hơn 170 tấn đồng đỏ. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Tượng Phật Tọa lạc trên đỉnh núi Bà Đen Tây Ninh hiện nay đang là một trong những chủ đề vô cùng “hot” không chỉ với giới Phật tử mà còn với bất kỳ ai đam mê du lịch bởi bức tượng nằm trên “nóc nhà Đông Nam Bộ” này nắm giữ những kỷ lục vô tiền khoáng hậu và những điều thú vị chưa chắc ai cũng biết.

Hình tượng nguyên mẫu của tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh là một trong số hơn 40 tượng Phật cổ tại khu di tích quốc gia Bổ Ðà Sơn thuộc tỉnh Bắc Giang. Vì vậy tượng này được cơ quan truyền thông chính thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gọi là tượng Phật Bà Bổ Ðà Sơn.

Cho đến khi được tạo tác hoàn thành, pho tượng khổng lồ bằng đồng đỏ tọa lạc trên đỉnh núi Bà Ðen tại tỉnh Tây Ninh nên đã được chính thức định danh là Phật Bà Tây Bổ Ðà Sơn.

Tọa lạc ở độ cao 986m tại đỉnh núi Bà Đen Tây Ninh, công trình tượng Phật núi Bà Đen có tổng chiều cao 72m là kết tinh tinh hoa của tín ngưỡng-tôn giáo-văn hóa-nghệ thuật-điêu khắc.

[Tây Ninh chọn núi Bà Đen làm tâm điểm để phát triển du lịch]

Theo tác giả đã tạo nên “kiệt tác” này, tượng các vị Bồ Tát ở thời kỳ trước có tạo hình khá đơn giản, mang tính chất thô sơ, không cầu kỳ và điều quan trọng là chủ yếu các pho tượng đều là dáng ngồi nên không thực sự phù hợp với công trình tượng đặt ngoài trời tại núi Bà Tây Ninh.

Trong khi đó, bức tượng Phật được tạc trong các chùa ở thời kỳ nhà Lê có đường nét chắc chắn, họa tiết hoa văn phong phú, tượng đẹp và đậm nét Việt. Do đó, tạo hình này sẽ vừa bảo tồn đầy đủ các yếu tố quy thức, tinh thần tượng Phật giáo cổ Việt Nam, vừa có được sự hoành tráng cho một công trình “đại tượng Phật” đặt tại một nơi độc đáo như đỉnh núi Bà Đen.

Tuy nhiên, điểm độc đáo là tác giả đã không chép lại hoàn toàn theo một nguyên mẫu tượng Phật nào mà có sự chắt lọc về trang sức, y, áo, mũ và hoa văn để tạo nên tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn có thể đảm bảo các quy thức trong việc tạo tác tượng Phật, đồng thời vẫn chuyển tải đầy đủ các yếu tố chuẩn mực về tượng Phật giáo Việt Nam.

Được công nhận là tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn thu hút được đông đảo du khách đến hành hương, tham quan du lịch tại núi Bà Đen. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Được đúc bởi hơn 170 tấn đồng đỏ theo kỹ thuật công nghệ gia công cơ khí áp lực cao của châu Âu, tượng Phật Bà gồm đài sen, khối đế 5 tầng và phần tượng.

Cách tạo dáng mũ trên đầu tượng Bà được thiết kế theo cách làm thời Lê, không bị nhầm lẫn với cách tạo khăn trùm đầu của tượng Phật Trung Quốc mà hiện nay nhiều nơi vẫn đang làm.

Tượng Phật núi Bà Đen đứng uy nghiêm trên đài sen bằng đồng. Hoa văn, họa tiết của đài sen được phỏng theo cánh sen tượng Phật thời Lê với tạo hình đám mây và ba giọt nước, tượng trưng cho lời cầu nguyện mưa thuận gió hòa.

Theo nghệ nhân Nguyễn Trọng Hạnh - người phụ trách chuyển tải mẫu tượng sang chất liệu đồng đỏ, đồng thời cũng là chủ nhiệm công trình tượng Phật núi Bà Đen cho biết, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn ẩn giấu trong mình rất nhiều nét tinh hoa của văn hóa kiến trúc Phật Giáo Việt và những mật mã tâm linh-văn hóa vô cùng thú vị.

Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn đầu đội vương miện chạm khắc hình ảnh Đức Phật A Di Đà, tôn vinh trí tuệ mẫn tiệp và lòng từ bi phổ độ chúng sinh của Đức Phật với thế gian.

Tay trái tượng cầm bình cam lộ đang dốc xuống, biểu trưng cho hành động ban phát phước lành, cứu rỗi chúng sinh khỏi khổ đau.

Tay phải nâng lên bắt quyết Giáo hóa ấn Karana Mudr, mang ý nghĩa lìa xa ác nghiệp.

Về phần đài sen, đài sen tượng Phật ở các quốc gia khác đa phần đều không xuất hiện hoa văn mà chỉ làm trơn hoặc chỉ có đường sống kéo xuống một cách đơn giản. Duy nhất các tượng Phật của Việt Nam mới bao hàm đặc điểm kết hợp này.

Tượng Phật cao núi Bà Đen tại Tây Ninh đã xác lập 2 kỷ lục gồm “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi” do tổ chức Kỷ lục châu Á trao tặng và “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam tọa lạc trên đỉnh núi” được tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng. Tượng Phật Bà Tây Ninh được tạo tác theo tượng Phật thời Lê.

Trong tín ngưỡng dân gian từ xưa tới nay, Phật Bà luôn là biểu tượng vĩnh hằng của trí tuệ, đức hạnh và cả tinh thần bác ái bao la. Nếu có cơ hội được một lần chiêm bái Phật Bà, du khách sẽ cảm thấy nhẹ bẫng và thanh tịnh, mọi muộn phiền dường như đều được buông bỏ lại sau lưng.

Đến với Tây Ninh, chiêm bái Bức tượng Phật núi Bà Đen nổi bật giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đầy nắng và gió, nhìn xuống là vùng đồng bằng xanh mát càng tôn thêm vẻ đẹp của ngọn núi được mệnh danh là nóc nhà Nam Bộ./

PrevNext
';