Trường tồn một Yên Tử linh thiêng, huyền bí

Thứ 5, 03/02/2022 | 11:09:04 [GMT +7] A  A Lưu In --> Email

Yên Tử linh thiêng và huyền bí. Điều này nằm trong cảm nhận của những người đã đến Yên Tử, nằm trong khẳng định của giới chuyên môn và ghi nhận của sử sách các thời kỳ. Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: Câu chuyện của Yên Tử không phải truyền thuyết, huyền thoại, mà là sự thật của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Chỉ riêng điều này đã làm nên một Yên Tử linh thiêng và huyền bí.

Nơi khí thiêng tụ về

Sử cũ đã ghi Yên Tử là “Phúc địa của Giao Châu”, được liệt vào hạng danh sơn, chép trong điển thờ. Còn trong tiềm thức người Việt, Yên Tử là tổ sơn vùng Bắc Bộ. Đơn giản bởi cả vùng Bắc Bộ thì cánh cung Đông Triều là núi non tiêu biểu nhất, trong đó đỉnh Yên Tử được coi là một đỉnh cao của cánh cung này với 1.068m, án ngữ ngay cửa ngõ Đông Bắc của đồng bằng Bắc Bộ.

Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử đón khí thiêng tụ về.

Xung quanh Yên Tử có nhiều ngọn núi khác chầu về và những ngọn núi ấy cũng được coi là ngọn núi thiêng nhỏ hơn. Ví dụ Đài Bảo sơn (có chùa Ngọa Vân), Phật sơn (có chùa Hồ Thiên), Đông sơn (có chùa Non Đông), Tiên Du sơn (có chùa Quỳnh Lâm), Thành Đẳng sơn (có chùa Ba Vàng), Kim Cương sơn (còn phế tích chùa Quốc Dưỡng), Liên Hoa sơn (còn phế tích chùa Hoa Sen)…

Thiền sư Huyền Quang thế danh là Lý Đạo Tái, vị tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (Đệ Tam tổ Huyền Quang) có bài phú Nôm Vịnh Vân Yên Tự Phú tả cảnh núi Yên Tử như tả cảnh Phật: “Non Linh Thứu ai đưa về đây”. Núi Linh Thứu tọa lạc ở phía Nam thành Vương Xá (Rajgir) mà khi xưa nơi đây là một tiểu vương quốc thuộc miền Đông Bắc Ấn Độ. Núi này là nơi Đức phật Thích Ca an trú khoảng 7 năm và thuyết giảng những bộ kinh quan trọng nên được coi là Thánh địa của Phật giáo.

Thực tế Yên Tử tiền án, hậu trẩm, tả thanh long, hữu bạch hổ, tức đầu gối sơn, trước rộng thoáng, trái, phải đều ôm về trung tâm, thế đất dày, hệ sinh thái động thực vật tươi xanh, giàu sức sống. Hai yếu tố phong thủy đều đã hội tụ nên sớm được tiền nhân chọn để dựng nơi thờ tự và tu hành.

Vườn tháp Yên Tử, nơi lưu giữ hồn cốt các vị thiền sư tu hành đắc đạo tại Yên Tử.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân tại sao cả Đại Việt rộng lớn, nhiều núi non như thế mà vua Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành. Thực tế trước Trần Nhân Tông đã có các sư tu trên Yên Tử. Cụ Thái Tông hoàng đế, tức ông nội vua Trần Nhân Tông từng về Yên Tử cầu làm Phật. Đến đời vua Trần Nhân Tông đã thực hiện được trọn vẹn hạnh nguyện xuất gia, tu hành đắc đạo và hóa Phật, trở thành Phật hoàng Trần Nhân Tông.  

Nói về việc nhà Trần và bản thân vua Trần Nhân Tông chọn Yên Tử để tu hành, nhiều nhà chuyên môn khẳng định, ngoài lý do nhà Trần quê gốc ở An Sinh và An Sinh nằm dưới chân núi Yên Tử; gia đình có nghề nghiệp đánh cá, có truyền thống thờ Phật… thì Yên Tử là vùng đất địa linh, nơi khí thiêng tụ về chính là một lý do quan trọng.

Đất hóa tâm hồn, người hóa Phật

Di tích Yên Tử hình thành và phát triển qua 700 năm, gắn với con người có thật, là một vị Hoàng đế, vị Thượng hoàng và Phật hoàng thật của Việt Nam - Trần Nhân Tông; gắn quá trình phát triển và dòng thiền Phật giáo có thật, là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền của người Việt, mang tinh thần nhập thế, đạo và đời không tách rời.

Rừng già Yên Tử chứa đựng nhiều giá trị chưa được biết tới của Yên Tử.

Có thể thấy hơn 700 năm qua, Yên Tử không là ngôi chùa đơn thuần với chức trách tụng kinh thờ Phật, mà là trung tâm Phật giáo Trúc Lâm với những hoạt động xung quanh đời sống sinh hoạt, sản xuất và tu hành của nhiều người, nhiều thế hệ, trong đó có Phật hoàng Trần Nhân Tông, người sáng lập, vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Am Thiền Định, am Diêm, am Hoa, am Dược, am Lò Rèn, viện Phổ Đà… gắn bó và minh chứng Phật giáo Trúc Lâm là Phật giáo nhập thế. Trước đó vua Trần Nhân Tông lên Yên Tử đã cho người khảo sát, xây dựng am ở đây để làm cơ sở cho đời sống tu hành sau này. Am Thiền Định, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông ngồi thiền, tu hành và cho ra đời những giáo lý thiền Trúc Lâm Yên Tử. Am Hoa để trồng hoa cúng Phật. Am Dược trồng cây thuốc để chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe người tu hành, nhất là trong điều kiện sinh sống, tu tập trên núi cao rừng sâu. Am Diêm là nơi tích trữ muối và lương thực để đảm bảo đời sống hàng ngày. Am Lò Rèn để chế tác công cụ lao động cho các sư. Viện Phổ Đà phía sau chùa Hoa Yên là nơi dịch và truyền giảng giáo lý Trúc Lâm…

Những cây tùng cổ ở Yên Tử.

Tại Yên Tử, cây tùng cũng là hiện thân của con người đã từng sinh sống và tu hành hàng trăm năm qua. Giới nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cây tùng Yên Tử là do người trồng, không phải hệ cây rừng phân bố tự nhiên. Hiện tại tùng Yên Tử còn rất nhiều, cứ ở đâu có cây tùng thì ở đó chắc chắn là có những dấu tích cũ, cổ, hoặc là công trình kiến trúc, hoặc là am thất chuyên tu của các sư, hoặc là đường đi lối lại, vườn chùa.

Chính vì thế mà ở Yên Tử, từ các di tích đã được trùng tu tôn tạo, các phế tích đang nằm trong lòng đất hay những cây tùng đang hiện hữu đều gắn liền với lịch sử, với dấu tích con người, gắn với Phật pháp. Đó là sinh khí của Yên Tử.

Theo ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, ngay như 2 hũ bằng kim loại, bên trong đựng phần xương cốt mới được phát hiện tại Yên Tử cuối tháng 11/2021 cũng được cho là 2 hũ đựng tro cốt của các sư. Theo sử sách, các sư tu tại Yên Tử từ thế kỷ 19 trở về trước, khi viên tịch đều thiêu, tro cốt còn thì cho vào hũ để táng.   

Thế mới nói, Yên Tử trải qua hơn 700 năm, từng tấc đất, cây cỏ, phiến đá đều gắn bó và có dấu ấn của cha ông, của Phật pháp, từ đó đất Yên Tử hóa tâm hồn, là đất thiêng, đất có sinh khí.

Không gian Yên Tử đã hóa tâm hồn, là đất có sinh khí.

Du khách hiện nay lên núi Yên Tử từ Nhà ga cáp treo 1 lên chùa Hoa Yên, lên An Kỳ Sinh, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, chùa Đồng hay từ chùa Giải Oan, qua am Lò Rèn, theo đường tùng, lên Hòn Ngọc, lên Tháp tổ… đâu cũng thấy hơi hướng của ông cha. Những người hiểu Yên Tử, quý trọng Yên Tử thì dù có cuốc một hốc đất ở đây để trồng một cái cây cũng phải cẩn trọng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở VH&TT, khẳng định: Cho đến ngày nay, giá trị Yên Tử là rất lớn, dấu ấn tinh thần, vật chất ở Yên Tử vẫn tồn tại ở mức độ dày đặc. Một không gian văn hóa như Yên Tử là hiếm có. Trong khi nơi nào đó việc phục dựng di tích dù có theo hơi hướng hoài cổ thì bản chất vẫn là đầu tư mới, còn Yên Tử đã giữ được hồn cốt và hiện nay du khách lên Yên Tử vẫn cảm nhận được cái hồn cốt đó. Tiếc rằng bên cạnh hệ thống chùa tháp đã có hiện nay còn nhiều giá trị hồn cốt của Yên Tử vẫn ở dạng phế tích, nằm lẩn khuất đâu đó trong lòng đất, trong rừng già, rất cần được khôi phục lại.

Việt Hoa
';